Cảm ơn một Mùa đông ấm

Tôi đã thấm thía hơn nhiều về sự cơ cực vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chữ. Cuộc sống ở nơi không điện, không nước là trải nghiệm hiếm hoi của tôi khi tham gia chương trình “Mùa đông ấm – Hà Giang 2011” tại xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Đất nghèo

5 năm liền tôi gắn bó với Mùa Đông Ấm – một nhóm tình nguyện tự phát nhưng lại có đội hình tương đối vững chắc về kinh nghiệm và tâm huyết với hoạt động xã hội. Nghe nói tôi sắp đi Mèo Vạc, bạn bè bảo rằng “Thích thế”, rồi chúc “Đi chơi vui vẻ nhé!”. Lời chúc ấy thực là một ám ảnh với tôi. Rất nhiều người vẫn gán cho hoạt động tình nguyện cụm từ “đi chơi”. Còn với những người thiện nguyện, lý do để tìm đến những vùng đất xa xôi nghèo khó là để sẻ chia và giúp đỡ bằng cả tấm lòng, dù vật chất chỉ như muối bỏ bể. Mọi tư lợi để “làm đẹp hồ sơ” về kinh nghiệm cộng đồng đều là phù phiếm.

Người ta đã quen với niềm tự hào về một Việt Nam “rừng vàng biển bạc”, giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng không phải miền đất nào cũng có được sự ưu ái đó của tạo hóa. Mèo Vạc là một trong những huyện nghèo nhất trong số 62 huyện nghèo của Việt Nam. Và nằm cách trung tâm thị trấn Mèo Vạc 21 cây số về phía Tây, xã Lũng Chinh được xem là một điển hình của đất nghèo. Không khoáng sản, không có thế mạnh về tài nguyên và các tiềm năng khác, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng vào mùa khô – đó là những điều đầu tiên mà người ta nhắc về Lũng Chinh.

Lũng Chinh khan hiếm nước. Nơi đây không có bất cứ con sông, suối hay hồ nước tự nhiên nào mà chỉ có hồ treo dung tích 6.000m3 tại xóm Lùng Phủa và kênh mương tại xóm Mèo Vống. Nước tưới tiêu không đáp ứng được nhu cầu canh tác. Đồng bào quanh năm chỉ trông vào nước mưa để sinh hoạt. Nước phục vụ ăn uống đã hiếm hoi nên việc tắm gội lại càng xa xỉ. Đồng bào dân tộc thiểu số thường mặc một bộ quần áo tới khi nào quá bẩn và rách thì sẽ vứt luôn chứ không giặt. Ông Chủ tịch xã tên là Vũ Đình Trọng, bảo rằng: “Nói thật với các anh chị, tôi đây cũng cả tuần mới tắm một lần”. Còn thầy giáo Ma Phúc Thuần (Bí thư chi đoàn trường THCS Lũng Chinh) thì bảo: “Ở đây nước khan hiếm mà khí hậu thì vừa rét vừa khô, chỉ có khách quý tới nhà thì mình mới rót nước ấm mời uống”.

Lũng Chinh chưa có điện. Tuy rằng vài xóm đã có trạm biến áp hạ thế dẫn điện nhưng lại là điện “mắc nhờ” từ các xã xung quanh, và cũng chỉ khu vực Ủy ban và trường cấp 1 mới có điện. Bao nhiêu đơn thư, đề án của giáo viên và cả Chủ tịch xã cứ gửi đi “xin điện” rồi lại như lặn bóng chim tăm cá. Vậy nên, các thầy cô giáo phải khắc phục bằng cách chạy máy nổ để soạn và in bài vở hoặc cho những dịp có khách xa tới thăm trường. Hai mươi lăm nghìn đồng một lít xăng. Mỗi tháng, thầy giáo tự bỏ ra gần một triệu đồng tiền xăng cho riêng máy nổ tại nhà. Tất cả đèn điện đều là loại dùng pin sạc, ánh sáng lờ mờ chỉ đủ soi được một khuôn mặt người trong đêm tối.

Lũng Chinh có dân cư phân bố không đồng đều. Sáu dân tộc anh em cùng sinh sống (Mông, Dao, Cờ lao, Hoa, Tày, Kinh) tại bảy xóm. Thu nhập bình quân đầu người/năm của xã là khoảng 3,9 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm quá nửa (62,25%). Địa hình phức tạp nên giao thông đi lại tại đây rất khó khăn. Toàn xã chỉ có vỏn vẹn bốn cây số đường bê tông hóa (xã/liên xã), còn đường thôn xóm vẫn là đường mòn vắt lưng chừng núi, lúc lượn lên cao, khi chùng xuống thấp. Độ dài đường đi được tính bằng đơn vị giờ đồng hồ chứ không phải là cây số.

Lũng Chinh chưa có chợ. Đồng bào vẫn phải đi chợ Lũng Phìn cách trung tâm xã bốn cây số. Chợ Lũng Phìn cứ sáu ngày lại họp một lần. Nếu muốn mua thịt thà rau củ hoặc những hàng hóa khác, người dân phải đi tiếp khoảng vài cây số nữa đến trung tâm chợ Lũng Phìn. Khu vực này có một bưu điện, đồng thời là điểm truy cập internet công cộng của xã Lũng Phìn.

“Nhìn học trò ăn cơm mà rơi nước mắt”

Từ dốc Lũng Phìn lên Lũng Chinh, không khí trở nên ẩm và lạnh đột ngột. Chiếc xe Transit 16 chỗ chạy lắt léo qua những khúc cua gấp và dốc tới 30 độ. Gió ùa vào cửa, mang theo cái rét sắc ngọt của rừng sâu. Ở khu vực Đèo Gió, sương phủ mờ núi rừng từ chập tối và dầy đặc về đêm. “Có những ngày sương đặc đến mức giơ bày tay lên trước mặt mình mà không thấy gì” – một cô giáo ở trường cấp 2 kể.

Mới thấy sự dạy và học ở vùng đất nghèo khó thật vất vả. Vào những ngày đông tháng giá, nhiệt độ xuống xấp xỉ 3 độ C. Học trò bắt đầu hành trình tới trường từ 3 giờ sáng. Manh áo mỏng, chân xỏ trong đôi dép tổ ong mòn vẹt, bàn tay tê cứng, làn da tím tái và lạnh ngắt. Học trò chơi đùa giữa sân trường rồi ngất đi vì rét, thậm chí không bao giờ tỉnh lại nữa. Thầy cô lặng người vì thương học trò mà không có cách nào giúp đỡ.

Gần 70 thầy cô giáo dằn lòng rời bỏ quê hương, từ Tuyên Quang, Phú Thọ đến Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… bởi lòng yêu nghề, yêu trẻ, dù sự nghiệp giáo dục ở vùng cao còn lắm nhọc nhằn. Hàng năm, các thầy cô đóng góp 1 ngày lương và tự bỏ tiền riêng để mua sổ học bạ, làm giấy khai sinh và đồ dùng học tập cho học trò. Cũng vì thương lũ trẻ mà cô giáo Nguyễn Thị Lan, mới 25 tuổi, đã bỏ lại cuộc sống đủ đầy để lên vùng cao gieo chữ. Thi thoảng về quê thăm nhà, cô lại giấu mẹ nhặt nhạnh quần áo để mang lên núi cho học trò mặc.

Mỗi buổi sáng, thầy cô dậy sớm để lên lớp. Buổi trưa, thầy cô phân công nhau chia cơm và trực để học sinh ăn, không tranh giành với nhau. Học trò kết thúc giờ ăn thì thầy cô bắt đầu thổi cơm trưa, ăn vội vàng để kịp lên lớp buổi chiều. Giờ học chiều kết thúc sớm để những học trò ở xa kịp về đến nhà trước khi trời tối. Buổi tối, thầy cô lại trông học trò cấp 2 (ở bán trú) ôn bài và làm bài tập. Thầy cô không chỉ là giáo viên đứng lớp, mà còn là những người cha, người mẹ rất đỗi tảo tần. Một tình nguyện viên chia sẻ rằng: “Ở đây điện thiếu, nước thiếu nhưng tình người thì không bao giờ thiếu”.

Thầy Hà Xuân Huynh đã có 30 năm làm hiệu trưởng và hiện là hiệu trưởng trường tiểu học Lũng Chinh. Khi đoàn tình nguyện trao đổi về danh mục quà trao tặng cho toàn bộ học sinh của trường, thầy bảo: “Có rất nhiều học sinh lần đầu tiên trong đời biết đến hộp sữa. Ở đây thiếu thốn nên cái gì cũng phải chia đều. Nếu không, học sinh sẽ bỏ học ngay, giáo viên phải vận động các em đi học lại, vất vả lắm”.

“Trường cấp 1 thì tiền ăn trưa chỉ bằng một nửa so với cấp 2, tức là tám mươi nghìn cho mỗi em trong một tháng. Chúng tôi phải vận động quyên góp cho trường học đến từng mớ rau. Học sinh cấp 1 cũng chưa tăng gia lao động được nên gia đình không cho các em thêm tiền. Ở bên trường cấp 2 có 199 em thuộc diện ở bán trú nhưng thực chất lại hưởng chế độ bình thường.” – thầy Huynh kể.

Suất ăn cho mỗi em là một bát cơm, một mẩu cá mắm, vài hạt lạc, một quả ớt và canh rau lõng bõng toàn nước. Cái cảnh học trò vùng cao, mặt mũi và quần áo nhem nhuốc, với phần ăn đạm bạc thực sự khiến người ta rớt nước mắt. Đấy là đi học thì còn được ăn cơm, chứ về nhà thì chỉ có mèn mén.

Ở những nơi mà cơm ăn, áo mặc còn quá thiếu thốn thì những nỗ lực nâng cao trình độ dân trí còn chật vật đến chừng nào?

Mặc dù trường phổ thông dân tộc bán trú có cả cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (với tổng số gần 1,000 em), nhưng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp 2 được tiếp tục học lên trung học phổ thông, bổ túc hoặc học nghề chỉ chiếm khoảng 9%. Sự vất vả bắt đầu từ việc phổ cập tiếng phổ thông – một bài toán khó mà người ta gọi là “thầy nói, trò không hiểu gì”. Cán bộ, giáo viên phải học tiếng dân tộc để đi vận động người dân. Các bé mầm non thì ê a ngọng lịu những bài hát thiếu nhi bằng tiếng Kinh dù có thể chúng chẳng hiểu gì. Đến Ủy ban, tôi phát biểu vài câu với các bé mầm non và phụ huynh mà thấy mình lạc lõng quá. Ông Chủ tịch xã cười bảo: “Đấy, người cùng một nước Việt với nhau mà vẫn phải có phiên dịch”.

Cơ sở hạ tầng của trường tiểu học và trung học cơ sở có khá hơn một chút so với trường mầm non vì đã có vài phòng học kiên cố và nhà hai tầng. Học sinh mầm non và cấp 1 đều còn bé nên các thầy cô giáo được phân công “nằm vùng” tại từng xóm. Vậy nên, đoàn tình nguyện phải cuốc bộ cả tiếng đồng hồ trên con đường mòn quanh sườn núi đá để tới thăm lớp những mầm non nằm lọt thỏm giữa đại ngàn như ở xóm Sủng Khể, Tìa Sính, Sủng Mùng, Sủng Tà, Lùng Lý… Con đường dài gần mươi cây số mà người ta đã đạp mòn đá tai mèo chính là độc đạo tới Sủng Khể. Một bên là vách núi cao, một bên là thung lũng pha lẫn giữa màu xanh của rừng, của ngô và màu xám đen của đá, con đường dường như xa hơn bởi những khúc “dao quăng” và dốc dài đằng đẵng. Câu chào “Mùng a chi lo?” (Đi đâu về đấy?) cất lên trên suốt quãng đường khiến tôi cảm thấy mình được gần gũi hơn với đồng bào.

Ông Cao Duy Chương – Phó Bí thư Đảng ủy xã – bảo rằng: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho xoá đói, giảm nghèo. Trình độ dân trí thấp nên người dân làm việc gì cũng khó khăn, không hiệu quả, không biết tính toán để phát triển kinh tế gia đình.” Vì vậy, chủ trương xoá đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí được hiện thực hóa tới tận các xóm bằng cách vận động và xử lý theo hương ước. Nếu học sinh không đi học ngày thường thì xóm phạt 20 nghìn đồng, ngày chợ phạt 40 nghìn đồng. Hương ước cũng áp dụng cho việc hạn chế tăng dân số, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Những nhà nào sinh thêm từ con thứ 3 trở lên sẽ bị xã phạt 200 nghìn đồng, xóm phạt 1,5 triệu đồng. Hương ước cũng góp phần hạn chế cả việc cưới xin đình đám và uống rượu triền miên.

Dĩ nhiên, so với hơn mươi năm trước, cuộc sống ở Lũng Chinh đã có nhiều thay đổi, có hồ treo, có trạm y tế, đường mòn liên xóm đã đủ cho… hai chiếc xe máy tránh được nhau, người dân biết đến ánh điện, trường học dần được nâng cấp, các thầy cô đã soạn bài bằng máy vi tính. Và người ta hoàn toàn có cơ sở để hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn nữa.

Mùa Đông Ấm

Khi làm một chương trình từ thiện, điều bạn muốn là gì? Là tìm được và trao quà tận tay đối tượng để chắc chắn không có sự thất thoát, là được thừa nhận về mặt pháp lý, là tạo dựng mối liên kết với nhà tài trợ trong nhiều năm, là nhân rộng hoạt động một cách chuyên nghiệp tới nhiều tổ chức khác. Với tư cách là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm Mùa Đông Ấm, tôi có đôi điều chia sẻ về quá trình triển khai chương trình từ thiện.

Thứ nhất: Xác định đối tượng. Hãy khoanh vùng địa phương, tiến hành tiền trạm, đặt vấn đề với các cấp Ủy ban và trường học để có đơn vị bảo trợ tư cách pháp nhân. Tư cách pháp nhân giúp bạn “nói chuyện” đường hoàng hơn với các cơ quan, nhà tài trợ và cộng đồng. Khi tiền trạm cần lưu ý khảo sát mọi yếu tố: điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, dân cư/dân số, cơ sở hạ tầng (đường sá có bảo đảm cho xe tải và ô tô 16 chỗ đi vào không, đoạn đường có đặc điểm gì cần chú ý, nếu phải đi bộ thì bao xa…) và phúc lợi xã hội (y tế, bưu điện, chợ…), số lượng học sinh tại từng trường/điểm trường của từng cấp học, giới tính, chế độ hưởng bán trú/nội trú, hệ thống phòng học, nhu cầu của đối tượng…

Thứ hai: Soạn tài liệu truyền thông, xây dựng hồ sơ chương trình chi tiết, phân công nhiệm vụ theo từng nhóm (truyền thông, tài chính-hậu cần, điều phối tình nguyện viên…).

Thứ ba: Truyền thông trên các kênh đã chọn, cập nhật nội dung website, đặc biệt là những thông tin chỉ dẫn (cách thức quyên góp, địa điểm tiếp nhận, các câu hỏi thường gặp, tiêu chí tuyển tình nguyện viên, danh sách ban điều phối, tình trạng quyên góp…).

Thứ tư: Mời tài trợ. Các trường học ở Hà Nội thường chờ chỉ đạo của Sở Giáo dục hoặc Trung ương đoàn phát động quyên góp để được ghi nhận thành tích trong năm. Vì vậy, các tổ chức từ thiện, dù có tư cách pháp nhân, cũng gặp nhiều khó khăn khi làm việc với các trường học.

Thứ năm: Quyên góp, tiếp nhận và phân loại quần áo. Quần áo nên cho vào các bao tải để tiết kiệm không gian khi vận chuyển. Mỗi bao tải đều được ghi bằng bút dạ bên ngoài là dành cho đối tượng nào (ví dụ: Nữ, 5 – 10 tuổi). Khi đóng bao cần sử dụng găng tay lao động và buộc dây gai qua miệng bao thành các đường đan chéo nhau (để tránh làm rách bao hoặc tuột mối buộc). Đối với các loại đồ khác (dép, đồ dùng học tập, chăn bông, đồ chơi, sữa, bánh kẹo…), hãy lập danh sách phân chia quà tới từng nhóm đối tượng với số lượng ở từng địa điểm. Nếu có thể, hãy mua túi nylon có màu đặc trưng để đựng quà vì sẽ tạo hiệu ứng hình ảnh rất tốt.

Thứ sáu: Vận chuyển. Hãy tập hợp toàn bộ đồ quyên góp, chất lên xe tải và cử hai thành viên (tốt nhất là nam giới hoặc người có liên lạc với địa phương) áp tải xe và xếp dỡ hàng khi cần thiết. Hãy in banner để treo ngoài xe – vừa thể hiện khí thế, vừa là cách truyền thông cho chương trình.

Thứ bảy: Chọn người tham gia chuyến đi thực tế. Hãy yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân để in thẻ thành viên. Hãy chọn người có sức khỏe tốt, làm việc nhiệt tình, có trách nhiệm, biết giữ ý tứ và tinh thần kỷ luật. Trước khi lên xe, hãy yêu cầu tất cả thành viên đọc nội quy và ký cam kết. Trưởng điều phối có toàn quyền quyết định đối với hoạt động của chương trình. Bạn cũng nên in sẵn vài bộ hồ sơ và giấy tờ liên quan để sử dụng tại địa phương.

Thứ tám: Thái độ cầu thị. Khi làm việc tại địa phương, hãy trình diện và báo cáo với các cơ quan liên quan. Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương sẽ giúp cho công việc thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu có các cuộc giao lưu, tiếp xúc với địa phương, hãy giữ thái độ nhã nhặn và có cách từ chối khéo khi được mời uống rượu.

Thứ chín: Kết thúc chương trình. Hãy bảo đảm sớm có các bài truyền thông và báo cáo chi tiết, có thư cảm ơn tới các nhà tài trợ, nhà bảo trợ và cộng đồng.

Mỗi năm, Mùa Đông Ấm chỉ làm một chương trình chính thức nhưng thành công đều vượt cả mong đợi của những người thực hiện. “Mùa đông ấm – Hà Giang 2011” đã mang đến cho gần 1,000 trẻ em Lũng Chinh 120 chăn bông, gần 100 bao tải quần áo ấm, 1,000 đôi dép tổ ong, 1,000 hộp sữa, 1,800 vở viết, gần 1,500 bút chì, hơn 260 hộp sáp màu, 800 gói snack, 22kg bánh kẹo và 11 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Tôi chẳng biết nói gì, ngoài việc cảm ơn những tấm lòng nhân ái và giàu lòng sẻ chia. Cảm ơn một mùa đông giá lạnh để thấy lòng mình thêm ấm áp.

UniQ Cow

Bài đăng trên báo Tiếng Nói Việt Nam, số 02 (1053), ngày 05 tháng 01 năm 2012. Đọc bản .dpf tại đây: trang 1, trang 2.

Comments