HiPT, cây bơ của Anna Chi, và take action

Mỗi độ 186, hàng trăm con tim cả cũ lẫn mới đều đập loạn xạ, tường nhà rung rinh những bức hình nhảy múa. Thị lên kế hoạch viết tâm thư trước cả tuần, nhưng quả thực là cái thời “viết không cần cảm hứng” đã xa lắm rồi, cho đến khi được vài người dí lửa vào mông. Giờ kể chuyện theo kiểu “take action” xem nào.

13419077_1002040213205496_6495626085952433006_n

Mọi thứ đều như một nhân duyên, như kiểu “Tái Ông thất mã”. Thụy Điển ngưng hẳn chính sách giáo dục miễn phí năm 2008 khiến thị bỏ lại ước mơ du học để rồi có cơ hội bén duyên với HiPT. Đã có thời điểm liều mình dứt áo ra đi, nhưng rồi thị được toàn những “đa, đề” khuyên nhủ, thấy mình được yêu thương, lẽ nào không… tận dụng? 5 năm, thị có được nhiều đồng nghiệp tuyệt vời – những anh em bạn bè chìm nổi có nhau, có cơ hội thăng tiến khi còn khá trẻ, được trải nghiệm bao nhiêu “hỉ nộ ái ố” trong quản trị của một doanh nghiệp với vài trăm nhân viên cả Nam lẫn Bắc. 5 năm, dù có nhiều lời đề nghị cập bến mới cùng hứa hẹn “biển trời bao la dệt muôn gấm hoa,” còn kế hoạch 5 năm của mình ở HiPT đã gần đáo hạn, thị vẫn quyết bám nốt 186-20th trước khi tuyên bố dừng cuộc chơi để sang game khác.

Thị rời Việt Nam ở tuổi 28, lại một cái Master nữa, du học thì ít mà du… lịch thì nhiều. Điều sung sướng nhất là được toàn tâm cho việc học và vận dụng vốn sống của mình để chiêm nghiệm. Đi học khi đã có chút trải nghiệm ở AJC và HiPT, thị mới thấy tạm đủ để thấm cái hay ho của những thứ mình đang hấp thụ. 5 năm làm việc cho hẳn một doanh nghiệp IT “hơi hơi lớn” khiến thị nâng lên vài chân kính – thứ được tận dụng theo nhiều chiêu thức giúp thị lọt vào những vòng tuyển dụng khó xơi ngay cả đối với dân bản xứ. Sự thay đổi về tư duy và phong thái cùng thành quả được đánh giá tốt khiến thị rút ngắn phần nào cái sự “nhìn lên” của một kẻ exotic đối với lũ bạn châu Âu. Nói không đùa đâu, cái gì gì gi nào bọn chúng cũng hơn mình, từ lịch sử, tôn giáo, chính trị, văn hóa, tư duy phản biện, hùng biện, v.v. đến giải trí nhảm nhí. Riêng ngôn ngữ tiếng Anh là công cụ căn bản thì mình đã thua rồi. Thị thấy mình chỉ hơn đúng dân… Tàu thôi, nhưng mấy bạn Tàu ở lớp thì, cũng như nhiều đồng bào của họ, tỏ ra chẳng quan tâm đến việc Thế giới đang nghĩ cái quái gì.

Thị hay tự dặn mình: “Chúng nó học mất một công thì mình phải nỗ lực gấp mấy lần”. Đó là lý do tần suất cập nhật trên tường nhà thị dần giảm bớt, và mỗi lần xuất hiện thì… chất chứa nhiều “tính toán” hơn. Thị cũng hạn chế chuyện trò với người thân trong những đợt cao điểm học, thi và viết luận. Ngoài ra, việc giữ thói quen “sống ảo” thời còn làm PR ở nhà khiến thị trở nên lạc lõng giữa một/ những nền văn hóa khác. Bạn bè và người quen của thị ở đây ít cập nhật Facebook, lại càng không có tiết mục “anh hùng bàn phím”. Có cậu bạn người Đức, học ngành PR, bảo: “Công nhận dân Á thích nghịch Facebook và viết lách dài dòng nhỉ!” Thị hiểu đó là cả một câu chuyện dài liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa và ti tỉ thứ vỹ mô khác, cho nên sẽ không bàn ở đây. Thêm nữa, du lịch Facebook vốn không phải sở thích và tài năng của thị. Nó là cả một sự thử thách lòng kiên nhẫn và sự quan tâm đến mọi người, cho nên bao nhiêu sự ngưỡng mộ thị dành cả cho Muỗi, Quyên Tưng, Nhím Tròn với Maria Giang – cập nhật điên đảo, comment điên đảo =)).

Viết về kỷ niệm mà không khéo thì rất dễ biến thành… tiết Thanh Minh, viết về cái mới thì sợ phán bừa, bởi thị giờ đây đã bị ném vào tệp “em đi xa quá, em đi xuyên biên giới”. Thi thoảng thị vẫn google, wikipedia, lướt web chính thức lẫn web nội bộ để xem HiPT dạo này thế nào, chẳng phải vì tọc mạch hay để cười khẩy với điệu bộ lão làng, mà là nhỡ đâu góp ý được gì, nhỡ đâu có gì hay ho mới mẻ để đóng góp cái “ý của con kiến”. Cho nên, với thứ tình cảm trong sáng ấy, xin thề là trong sáng nhá, thị buồn vô hạn khi ghé thăm website 2016 mà thấy banner 186 của… 2015 vẫn hiên ngang đứng đó. Chạy sang HiPT Channel, thị đọc bài phỏng vấn anh GiangPV: vẫn giọng văn cũ, vẫn cách kể chuyện xoay vòng, vẫn những khẩu hiệu có phần thiếu lửa dù đã cố nhúc nhích cho vừa vặn trong chiếc áo “take action.” Mặc dù vậy, thị thích cái cách mà anh giải thích về sự “bình thản”, cũng là một kiểu “hành động”.

Hồi nọ bỗng dưng chat với ChiTTP, biết được rằng chị đang trên đà giảm cân với lòng quyết tâm cao và thực sự đã thấy được thành quả. Chị xác định rõ rằng mục tiêu nhìn thấy trước mắt chính là vóc dáng, nhưng cái xa xôi, lâu dài hơn là sức khỏe. Kể chuyện trồng cây, thị khoe cây bơ của mình to khỏe nhiều lá, còn Chi bảo: “Sao cây của chị nó thẳng tưng thế này nhỉ? Chả có cái lá nào cả, chắc sắp được 1,5m”. Đoạn Chi gửi ảnh cây bơ trồng thủy canh, từ cái hạt trong bình thủy tinh mọc lên một đoạn cây lêu nghêu không mảy may tí lá, thêm hai cái mầm nhỏ cũng nhẵn thín. Hai đứa cười như ma làm. Muốn cây khỏe thì chỉ giữ lại một mầm thôi, còn lại bẻ tiệt. Cây ưa sống bằng đất thì không thể giữ trong nước mãi được, trừ khi ta không muốn nó sống “đúng kiểu”. Cây cứ cao tầm 15cm lại phải bẻ ngọn một lần để cây bị “đau”, kích thích tăng trưởng mà mọc tiếp ngọn mới, ra đợt lá mới. Với HiPT cũng thế. Đấy là “take action”.

Phải chăng khi ta nhớ nhung tha thiết một vùng ký ức nào đó, thì cũng có nghĩa là “bây giờ” chẳng hay ho bằng “hồi trước”? Vì sao có một vài mùa 186 đặc biệt luôn được nhắc đến? Có rấm rứt không khi thấy “cái gì đó” đang xảy đến với một HiPT mà mình và bao nhiêu đồng nghiệp khác đã từng yêu và vẫn luôn trân trọng? Có phải một thứ gì đó rất HiPT đang dần phai nhạt, đang thoái trào để cố gắng tìm ra một cách làm mới? Yêu là một chuyện, thể hiện tình yêu là một chuyện khác, và biết cách yêu lại càng khác hơn nữa. Mỗi người yêu thích HiPT theo một cách khác nhau, vì mục đích khác nhau, và nhìn chung nếu coi HiPT là một nơi để đi làm kiếm tiền, kiếm mối quan hệ, kiếm kinh nghiệm rồi sau này kiếm việc khác nhiều tiền hơn thì đương nhiên rất lành mạnh. Chẳng mấy ai yêu được với một cái bụng đói.

Vậy nên, các ACE, nếu yêu cái bụng của mình rồi kế đến là yêu HiPT, thì giờ là lúc nhìn ngó sang thị trường Thụy Điển và Bắc Âu. Thụy Điển đứng đầu thế giới về R&D, là nơi có những hệ thống công nghệ thông minh nhất quả đất, là nơi mà các giải pháp CNTT làm vương làm tướng trong mọi ngành nghề. Chính phủ Thụy Điển đã chính thức kết thúc chương trình viện trợ gần nửa thế kỷ với Việt Nam từ năm 2013, kết thúc hẳn sự dè dặt của các doanh nghiệp đầu tư lớn và SMB, mở ra thời kỳ của quan hệ đối tác thương mại. ABB, SCANIA, Ericsson, AstraZeneca, AtlasCopco, Electrolux, SKF, TetraPak, H&M, IKEA, Volvo, v.v. đều đã đến Việt Nam rồi, nhưng ngành IT thì còn mỏng lắm. Đại sứ đầu tiên của giai đoạn Partnership, Camilla Mellander, vừa kết thúc nhiệm kỳ và đã kịp “dọn đường” thênh thang cho những người kế nhiệm. Thị cũng vô tình, sau đó là hữu ý, thấy được sự nhiệt huyết ở một vài nhân vật đóng vai trò lớn trong các chương trình hợp tác Thụy Điển – Việt Nam.

Tiến lên ACE! Khi ấy và ở nơi ấy có em yêu HiPT theo cách của em :D.

Bò – viết khi đã được Hột Thị, Kun Kun, và em Trang động viên.

Comments