Kỳ diệu Cambodia (P2)

Ta Prohm – phế tích giữa rừng già

Sau một buổi sáng đi bộ mải miết dưới cái nắng gay gắt và một bữa trưa ngon lành tại Khmer Food Restaurant, màu xanh mát dịu của Ta Prohm khiến chúng tôi thấy thật dễ chịu. Ta Prohm đổ nát và đẹp bí ẩn với những thân và rễ cây cổ thụ cao lớn ôm trọn các phiến đá, bao phủ cả một hành lang dài. Không gian u tối dưới những tán cây nhưng không tạo cảm giác ẩm thấp.

Ta Prohm là một trong những ngồi đền đầu tiên được Jayavarman VII xây dựng để tôn vinh hoàng tộc (tên gốc của đền là Rajavihara – Đền Hoàng gia). Ngôi đền Phật giáo Đại thừa này cũng là lăng mộ tưởng niệm mẹ và thầy của nhà vua. Sau khi vương triều Angkor sụp đổ, Ta Prohm cũng dần đi vào quên lãng và được biết đến vào đầu thế kỷ XX. Những cây cổ thụ và rừng nhiệt đới bao quanh phế tích khiến Ta Prohm trở thành một trong những ngôi đền được viếng thăm nhiều nhất trong quần thể Angkor, được chọn làm phim trường của bộ phim Tomb Raider (Bí mặt ngôi mộ cổ).

Ta Prohm có 2 cổng vào (hướng Đông và Tây) với lối đi bộ dài tới vài trăm mét. Ngôi đền có diện tích hơn nửa cây số vuông bị bao phủ bởi cả một cánh rừng nhiệt đới rậm rạp. Cây mọc từ hạt do chim chóc nhả xuống mái đền, và rễ cây men theo các bức tường rồi xuống đất. Cảnh tượng hùng vĩ nhất chính là những bộ rễ cây khổng lồ hoặc là “nuốt trọn” cả một ngọn tháp, hoặc là xuyên phá làm đá sụp đổ. Các nhà khoa học cho rằng hai loại cây đặc trưng ở Ta Prohm là Silk-cotton (Ceiba pentandra – cây bông gòn) với bộ rễ khổng lồ và Strangler fig (Ficus gibbosa – cây đa bóp cổ) hoặc Gold apples (cây thị bần, thị không hạt, thị sáp) với bộ rễ đan cài quanh các thân cây khác.

Là đền của hoàng gia nên Ta Prohm rất rộng lớn, từng là nơi hiện diện của gần 80 ngàn người và nhiều đồ đạc bằng vàng, kim cương, ngọc trai. Tuy nhiên, ngôi đền hiện còn rất ít phù điêu bởi các tác phẩm nghệ thuật bị những người bài trừ đạo Hindu tàn phá, cổ vật quý cũng bị cậy đi mất và chỉ còn lại các điêu khắc linga, yoni. Bên trong các tháp, gạch đá nằm ngổn ngang và công việc trùng tu ngôi đền vẫn còn đang tiếp diễn.

Kết thúc ngày đầu tiên là bữa tối tại nhà hàng Koulen II. 17USD cho mỗi suất buffet và luôn phải đặt bàn trước. Đồ ăn có vẻ ngon khi được thưởng thức cùng bia và những vở diễn. Các tiết mục có vũ nữ Apsara thường mô tả cuộc chiến giữa thần linh và quỷ dữ. Các nàng Apsara biểu diễn công cộng thì ăn mặc kín đáo chứ không phồn thực như trên các phù điêu bằng đá. Một số tiết mục mô tả tình yêu đôi lứa ra đồng úp nơm rồi phải lòng nhau, rồi bị bạn bè trêu đúng lúc hôn trộm. Họ diễn rất duyên dáng nên mặc dù đã quá quen với motip phương Đông này, chúng tôi vẫn theo dõi một cách hào hứng.

Kbal Spean – Sông ngàn Linga huyền thoại

Ngày thứ hai của chúng tôi ở Siem Reap bắt đầu với chặng đường gần 50km đến Kbal Spean (Sông ngàn Linga). Dòng sông chảy từ thượng nguồn núi Kulen qua 1,000 linga rồi đổ xuống sông Siem Reap trước khi ra Biển Hồ là mong ước của đế chế Khmer về sự phồn thịnh ngàn năm. Có người viết rằng nước sông “trong như pha lê, mát lạnh như da thịt các tiên nữ Apsara hạ thế, len lỏi một cách nghịch ngợm giữa rừng cây ngạo nghễ”.

Công trình được thực hiện từ thời Suryavarman I (thế kỷ XI) đến hết thời Udayadityavarman II, kéo dài một thế kỷ. Phần điêu khắc 1,000 linga được thực hiện bởi một đại thần của vua Suryavarman I và các ẩn sĩ sống tại Kbal Spean. Người xưa đã ngăn thượng nguồn núi Kulen để biến phần bờ và lòng sông bằng đá dài hơn 4 cây số thành một tác phẩm điêu khắc đồ sộ.

Tôi tới Cambodia vào mùa khô nên thời tiết rất đẹp và các bức hoạ rất rõ nét do không bị chìm khuất dưới nước sâu và lá cây. Sau hơn 1,5 cây số đi bộ đường mòn hiểm trở giữa rừng nguyên sinh, tôi thở dài khi thấy Kbal Spean bởi nó có vẻ không hoành tráng như trong tưởng tượng của mình. Nhưng chỉ đi bộ vài bước, tôi bất chợt reo lên khi phát hiện ra nét khắc tròn trịa như những cánh hoa giữa một khung hình vuông dưới làn nước trong và lấp lánh nắng, đó chính là linga và yoni. Trên nền đá lòng sông là hàng ngàn linga, yoni, những phù điêu hình thần linh, Apsara và cả nàng Laskmi mỉm cười tuyệt đẹp. Các kiến trúc và điêu khắc ở đây không chỉ theo phong cách Hindu mà bắt đầu hòa lẫn với dấu ấn Phật giáo. Người ta có thể men theo đường mòn để tiếp tục khám phá vẻ đẹp ẩn tàng nơi dòng sông này.

Bantey Srey – tuyệt đỉnh của điêu khắc Khmer

Giai đoạn trị vì của Jayavarman V (người được thần Chiến thắng phù hộ) rất thanh bình, thịnh vượng, văn hóa phát triển rực rỡ, xuất hiện nhiều triết gia, học giả và nghệ sỹ. Trong lĩnh vực tôn giáo và kiến trúc có 2 công trình quan trọng được xây dựng là Banteay Srey – công trình có tính nghệ thuật và thẩm mỹ bậc nhất, và Ta Keo – ngôi đền đầu tiên hoàn toàn bằng sa thạch.

Trong cả hành trình Angkor, Bantey Srey là nơi thực sự khiến tôi bị hớp hồn. Trong số 1,800 ngôi đền được xây dựng dưới thời kỳ Angkor, chỉ có hai ngôi đền được chọn làm biểu trưng, đó là Angkor Wat với kiến trúc hoành tráng, đồ sộ và Banteay Srey với kỹ thuật điêu khắc tuyệt đỉnh. Người ta nhận định rằng độ tinh xảo ở nét điêu khắc của Banteay Srey gần với kỹ thuật chạm khắc trên vàng và gỗ hơn là trên đá.

Bantey Srey (The Citadel of Women – đền của nữ giới) được xây dựng vào cuối thể kỷ X để thờ thần Shiva của đạo Hindu. Đây là tuyệt tác của nghệ thuật tôn giáo Bà La Môn, do một đạo sỹ – thầy giáo của vua Jayavarman V – xây để tặng vị vua này.

Bantey Srey rất đặc biệt bởi đây là ngôi đền duy nhất được xây toàn bộ bằng sa thạch đỏ (trong khi hầu hết các ngôi đền khác được xây bằng gạch nung hoặc sa thạnh xanh). Kiến trúc ngôi đền gồm ba lớp ngăn với nhau bởi các cầu đá, hào nước và cổng. Vòng trong cùng gồm các đền thờ và hai toà thư viện (nay đã sụp đổ). Khu trung tâm có 3 tháp chính: tháp giữa và tháp phía Nam thờ thần Shiva, tháp phía Bắc thờ thần Vishnu. Bên ngoài các tháp là tượng thần khỉ Hanuman và thần sư tử Narasimha bảo vệ đền. Đây là các tượng bản sao, còn tượng cổ đang được bảo quản ở Bảo tàng quốc gia Phnom Penh. Tất cả các cột, cửa đền và phù điêu đều có họa tiết tinh xảo hình hoa lá, Phật sư, sư tử và các thần linh.

Có người nói rằng những điêu khắc ở Banteay Srey là “câu chuyện của đá” bởi sự hiện diện của nhiều tích sử thi Ấn Độ nổi tiếng. Đó là tượng thần Shiva với vũ điệu Ravanda. Đó là câu chuyện giải cứu nhân loại thoát khỏi sự thiêu huỷ của thần lửa Agni. Đó là nữ thần sắc đẹp Laskmi được voi thần tắm gội trước khi thành thân với thần Vishnu… Đặc biệt, những điêu khắc thiếu nữ trên vách đá được xem là biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ thời kỳ Angkor đầy huyền bí mà vô cùng duyên dáng.

Thời gian lý tưởng nhất trong ngày để thăm ngôi đền này là 10h00 và 14h00. Dưới bầu trời xanh không một gợn mây và ánh nắng vàng, tất cả những gì đẹp đẽ nhất của ngôi đền nằm giữa rừng sâu bừng lên màu đỏ thẫm pha vàng, đẹp lạ lùng đầy tôn giáo.

Điểm trừ duy nhất của Banteay Srey là nó… quá đẹp, khiến chúng tôi không kiểm soát được quỹ thời gian nên bữa trưa được đẩy xuống giữa buổi chiều tại một nhà hàng mới mở cạnh đó – nơi có một khu triển lãm giới thiệu chi tiết về Bantey Srey bằng hình ảnh. Cũng vì thiếu thời gian nên Pha Lit quyết định điểm đến lúc hoàng hôn là Bat Chum (trên trục đường về trung tâm) chứ không phải là Phnom Bakeng như các phượt tử đã chỉ dẫn.

Bat Chum – mặt trời lặn sau đền đài đổ nát

Với tôi, ngắm thời khắc mặt trời lặn ở Bat Chum là một trải nghiệm thật tuyệt. Bat Chum được xây dựng vào giữa thế kỷ X, là một trong những đền thờ Phật giáo đầu tiên khi mà tôn giáo thống trị vương quốc Khmer vẫn là đạo Hindu. Điều này khiến cho ngôi đền trở thành một trong những công trình không chỉ lâu đời nhất mà còn độc đáo nhất quần thể Angkor. Giống như nhiều ngôi đền ra đời từ buổi sơ khai của kiến trúc Angkor, Bat Chum được xây từ gạch với những họa tiết đơn giản được khắc trên những mảng vữa rồi ốp lên tường.

Ngôi đền có tường và hào nước bao quanh, có duy nhất một cổng vào từ hướng Đông nhưng người ta phải quan sát kỹ mới thấy được vị trí của tường và hào giữ ngổn ngang phế tích. Tầng mặt đất của Bat Chum có 3 tháp gạch ở mỗi bên phía trong lối vào. Phải leo mấy chục bậc thang đá rất dốc và hẹp, người ta mới lên được tầng thứ hai. Trên mặt phẳng rất cao, chơ vơ và không có tường bao này có 2 tháp gạch nhỏ với cỏ mục lum xum trên bề mặt phù điêu. Tượng thần sư tử bảo vệ (không còn nguyên vẹn) được đặt ở đầu cầu thang dẫn lên tầng thứ hai, đồng thời ngự tại các góc của tầng tháp này. Để mô tả sự điêu tàn của phế tích, có người gọi những tháp này là “đống gạch” đùn lên từ mặt đất.

Hoàng hôn xuống dần trong yên lặng. Một cảm giác lành lạnh, u hoài bao phủ không gian. Mặt trời đỏ ối. Rừng cây nhuốm màu xanh thẫm đen. Lúc này, nếu đứng ở tầng mặt đất và ngước nhìn tượng thần sư tử phía ngược sáng, bạn sẽ cảm thấy choán ngợp bởi sự uy nghiêm, hùng vĩ và linh thiêng.

Đối với những người đam mê tìm hiểu văn hóa và tôn giáo thì việc dành cả tuần cho Angkor vẫn là chưa đủ. Kiến trúc của các ngôi đền có vẻ giống nhau, nhưng khác nhau về kiến trúc của từng giai đoạn lịch sử (thể hiện ở vật liệu xây dựng và các chi tiết điêu khắc) và mục đích sử dụng (thờ đạo, thờ các vị thần, lăng mộ). Với những người có ít thời gian thì 2 ngày là đủ cho hành trình cơ bản.

(To be continued…)

UniQ Cow

Comments