Praha – Giáng sinh cổ tích

Giáng sinh ở Praha là nơi những công trình tráng lệ và cổ kính bậc nhất châu Âu, những nhà phố và phiên chợ huyên náo bừng sáng đầy thần tiên giữa tuyết trắng mênh mông.

Bài đăng trên tạp chí Nữ Doanh Nhân, tháng 11 năm 2015. Đọc bản digital trang 1, trang 2, trang 3.

Cầu Charles của tình yêu

5. Old town (7) web

Praha đón tôi vào một ngày đông trắng xóa. Rời căn hộ nơi hẻm nhỏ, tôi hòa mình vào con phố Národní nhộn nhịp để tìm đến một trong những cây cầu đẹp nhất châu Âu. Dòng người mắc cửi, những đôi má ửng hồng và nụ cười ấm áp khiến cho con phố Giáng sinh dù chẳng lộng lẫy nhiều mà vẫn cứ rực rỡ.

1. Cau Charles (3) web(Cầu Charles mang đến cho những lứa đôi niềm tin tình yêu mãnh liệt)

Cầu Charles là biểu tượng tình yêu trên dòng Vltava yên ả. Trên thành cầu, 30 tượng thánh kiểu Ma-rốc bằng đá nhuốm màu thời gian đứng im lìm, mang đến cho những người yêu nhau niềm tin mãnh liệt mỗi khi chạm tay vào tượng. Dãy cột đèn tỏa màu vàng dịu, một cách “làm đẹp” thật khôn khéo để tôn thêm vẻ thâm nghiêm của cây cầu hơn 600 tuổi. Trong màn mưa tuyết, người nghệ sỹ già say sưa với khúc nhạc Mùa đông của Vivaldi, tựa hồ chẳng bận tâm đến những kẻ xa lạ hay hàng chục sạp lưu niệm huyên náo quanh mình. Tiếng vỹ cầm réo rắt khiến kẻ độc hành là tôi thêm quay quắt nhớ nhà trong mùa đông đầu tiên của mình ở châu Âu. Praha đích thực là thành phố của nghệ thuật, một nơi tuyệt vời để thưởng thức nhạc cổ điển.

Giáng sinh bên Chúa lòng lành

4. Prague castle (6) web(Góc nhìn từ lâu đài Praha)

Qua cầu Charles và đi theo triền dốc chừng 15 phút, tôi đã thấy lâu đài Praha hiện lên trước mắt. Quần thể lâu đài cổ lớn nhất thế giới rộng 70,000 m2 và nằm trên đồi cao, từng là nơi ở của các vị vua Bohemia, hoàng đế La Mã, tổng thống Tiệp Khắc, và nay là trụ sở Chính phủ Czech. Nét ảm đạm của mùa đông dường như không thể làm giảm bớt vẻ rực rỡ của khu thị dân bên dưới với hàng trăm mái nhà màu đỏ xen lẫn vòm xanh và tháp nhọn xám đen của những nhà thờ.

Từng nghe bạn mình kể về nhà thờ thánh Vitus nổi tiếng nơi đây, nhưng tôi vẫn không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp đến từng chi tiết của giáo đường cổ kính và đẹp nhất nhì trời Âu này. Được xây dựng từ thế kỷ 14, nhà thờ mang phong cách Gothic điển hình với những tháp nhọn, phù điêu đầu tượng, và đặc biệt là cửa sổ hoa hồng thật cầu kỳ ở lối chính diện. Một cây thông cao gần 10 m và lấp lánh quả châu đã được dựng lên từ khi thắp nến Mùa vọng (Advent). Ở phía trong, những chùm trạng nguyên đỏ và nến trắng lung linh trước các ban thờ càng làm bừng lên vẻ đẹp của hàng chục ô cửa sổ kính màu. Mỗi mảnh kính nhỏ thu nhận ánh sáng và tỏa màu sắc huyền ảo theo cách riêng, và mỗi chiếc cửa sổ là một câu chuyện kinh thánh đầy mộ đạo. Người ta tin rằng điều đó sẽ mang tâm hồn con người đến gần với Chúa.

Saint Vitus còn là nơi an nghỉ của nhiều đời vua Bohemia. Những vị người trị vì vương quốc đã để lại cho hậu thế nhiều quốc bảo, trong đó có chiếc vương miện Bohemia linh thiêng, hay những công trình lớn như đại sảnh Vladislav, cung điện mùa hè Belvedere. Đặc biệt, Golden Lane (Hẻm Vàng) là một tổ hợp trưng bày vũ khí thời Trung cổ cùng 11 căn nhà bé xíu – nơi ở xưa kia của binh lính và nghệ nhân hoàng gia. Cái tên này ra đời từ thế kỷ 16 cùng tham vọng điều chế ra kim loại quý của thuật giả kim, mặc dù nơi làm việc của các nhà giả kim là Powder Tower (Tháp Thuốc súng).

Tôi dừng chân ở căn nhà số 17 – quầy lưu niệm có vòng nguyệt quế giáng sinh với những quả trứng và chú chim nhỏ bằng sứ treo trên cánh cửa màu xanh dương. Ở đó, tôi say sưa với những bức tranh lộng lẫy của Alfons Mucha – cha đẻ của trào lưu Art Nouveau và là tác giả của bức tranh kính đẹp nhất ở nhà thờ Saint Vitus, hay trôi trong những trang sử đầy biến động về cộng đồng Do Thái đã từng chiếm 1/4 dân số thành phố và góp phần làm nên diện mạo Praha ngày nay.

Christmas hay là Hanukkah?

6. Josefov (5) web(Thánh đường Do Thái Tây Ban Nha)

Người Do Thái ở Praha sống tập trung tại khu Josefov, cách Phố cổ chừng 2 phút đi bộ. Josefov ra đời từ thế kỷ 13 khi người Do Thái bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình để tới đây. Tôi đã ít nhiều biết đến lịch sử đau thương của chủng người được xem là có trí tuệ mẫn tiệp nhất thế giới này, vậy nên cuộc viếng thăm khu bảo tồn di tích Do Thái còn nguyên vẹn nhất trên toàn châu Âu là một trải nghiệm quý giá. Nếu thánh đường cổ Old-New Synagogue, Nhà tưởng niệm và Nghĩa trang mang vẻ u tịch, buồn thương bao nhiêu thì giáo đường Tây Ban Nha lại hoành tráng bấy nhiêu, như minh chứng cho sức sống phi thường của người Do Thái.

Tôi không trông chờ cảnh trang hoàng lộng lẫy ở bất kỳ khu Do Thái nào, bởi Giáng sinh chưa bao giờ là ngày lễ của họ. Thay vào đó, họ chỉ thắp lên cây đèn có ngôi sao David cùng 9 ngọn nến trong Lễ Ánh sáng Hanukkah, diễn ra từ cuối tháng 11 theo lịch Mặt trăng.

Bữa tiệc nơi Phố cổ

5. Old town (9) web(Bánh ống khói trdelník)

Ẩm thực Giáng sinh ở Phố cổ là thế giới vui tươi của thịt đùi lợn nướng (šunka), xúc xích nướng (klobása) cùng bạt ngàn quà bánh. Thứ quà vặt mà bất cứ du khách nào cũng “phải lòng” khi đến Praha là rượu giáng sinh (svařák) và bánh ống khói (trdelník). Phố cổ chỉ nhộn nhịp trước ngày chính lễ bởi đêm Giáng sinh là dịp dành cho gia đình. Người Czech vẫn giữ phong tục ăn chay trong ngày 24 với bánh ngọt vánočka và chuẩn bị cho bữa tiệc tối thịnh soạn. Bàn tiệc Giáng sinh của người Czech không bao giờ thiếu vắng món ngũ cốc và trái cây có tên gọi kuba, cá chép chiên và súp cá chép ăn kèm với salad khoai tây. Những món ăn này tượng trưng cho nguyện ước thịnh vượng của gia đình trong năm mới. Bánh quy linz, bánh óc chó, bánh gừng giòn xốp nướng từ đầu Mùa vọng sẽ được tiêu thụ trong suốt dịp lễ.

Trên nền tuyết trắng như chiếc khăn trải bàn khổng lồ, Phố cổ như một bữa tiệc thịnh soạn với rất nhiều âm thanh và ánh sáng. Giữa quảng trường, hàng chục túp lều gỗ rực rỡ như những ngôi nhà cổ tích là nơi bày bán vô vàn đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức và đồ chơi truyền thống đủ khiến người ta vui thích đến mức quên mất rằng mình là… người lớn. Cây thông Giáng sinh được vận chuyển từ vùng núi Krkonose ở phía Bắc, rồi được thắp đèn quây sáng rực cả bầu trời Phố cổ đầy ngoạn mục. 5 giờ chiều khi cây thông lên đèn cũng là lúc mà các bài hát Giáng sinh bắt đầu ngân vang. Những em bé xinh xắn trong trang phục truyền thống đã mang giọng ca trong trẻo của mình đi khắp nơi trên đất Czech.

Giữa một vùng trắng muốt lấp lánh sáng cùng âm thanh náo nhiệt, cái lạnh tê tái khiến tôi như rơi vào trạng thái mộng mị. Chẳng cần phải trang hoàng cầu kỳ, bởi Praha vốn đã quá ư lộng lẫy. Người ta bảo rằng Praha sở hữu vẻ đẹp trữ tình và thần tiên khiến tâm hồn ngẩn ngơ, bất kể khi mùa đông tuyết phủ hay những ngày nắng ấm. Và họ nói đúng.

Quỳnh Hương

Thông tin cho bạn:

Chợ giáng sinh Praha diễn ra từ cuối tháng 11 đến ngày đầu năm mới. Nhiệt độ trung bình từ -2°C đến 2°C nhưng thời tiết Đông Âu thường lạnh buốt. Bạn nên chuẩn bị quần áo giữ nhiệt, đồ lót và tất chân nhiều hơn những đồ mặc bên ngoài. Phụ kiện cần thiết là boots hoặc giày thể thao có đế gai, mũ len, khăn quàng và găng tay thật ấm.

Đồng tiền lưu hành tại Czech là Krona (ZCK). 1 ZCK = 925 VND. Bạn có thể đổi tiền ở nhiều nơi như sân bay, ga tàu, bến xe hoặc các phố và hẻm nhỏ ở khu trung tâm Praha.

Praha có hệ thống giao thông thuận lợi với 3 tuyến metro tỏa khắp những trục đường chính của thành phố. Vé giao thông công cộng mua tại quầy rẻ hơn nhiều so với vé mua trên xe. Tuy nhiên, chỉ cần đi bộ là đủ để thăm các điểm du lịch quan trọng nhất (Quận 1).

 

Comments