Bài thi toàn quốc – Högskoleprovet ở Thụy Điển

Thụy Điển vừa tổ chức kỳ thi Högskoleprovet lần thứ 40 trên toàn quốc. Điểm chuyển đổi 2.0 đồng nghĩa với việc hầu hết mọi cánh cửa đại học đều chào đón bạn, tuy nhiên, bạn phải nằm trong số 0.1% thí sinh đạt điểm bài thi cao nhất. Kỳ mùa thu năm nay có 56 000 người dự thi.

Högskoleprovet là gì?

Đây là kỳ thi đánh giá kiến thức và kỹ năng tiêu chuẩn cho những ai muốn bước chân vào nấc thang giáo dục bậc cao ở Thụy Điển. Kỳ thi được tổ chức bởi Universitets- och högskolerådet (UHR – Swedish Council for Higher Education), gồm hai phần là Lượng và Ngữ văn, mỗi phần bao gồm bốn bài thi nhỏ với tổng cộng 160 câu hỏi trắc nghiệm. Kỳ thi diễn ra trong một ngày (thứ Bảy hoặc Chủ nhật) vào tháng Tư (kỳ mùa xuân) và tháng Mười (kỳ mùa thu), kéo dài 7,5 – 8 tiếng bao gồm cả giờ “nghỉ giữa hiệp” và giờ ăn trưa. Ngoài bài thi đọc hiểu tiếng Anh, tất cả các phần còn lại đều bằng tiếng Thụy Điển. Xem các bài thi cũ và đáp án tại đây.

Phần Lượng:

  • XYZ – Toán, 24 câu hỏi: Đánh giá năng lực giải toán về số học, đại số, hình học, đạo hàm và thống kê.
  • KVA – So sánh định lượng, 20 câu hỏi: Đánh giá năng lực so sánh định lượng về số học, đại số, hình học, đạo hàm và thống kê.
  • DTK – Bảng biểu và bản đồ, 24 câu hỏi: Đánh giá khả năng nhận diện thông tin và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn bảng biểu và bản đồ khác nhau.
  • NOG – Đánh giá số liệu, 12 câu: Đánh giá năng lực phân tích dữ liệu thông tin để giải quyết một vấn đề số học và hình học (cách bạn làm toán thể hiện khả năng kết luận logic của bạn).

Phần Ngữ văn:

  • LÄS – Đọc hiểu, 20 câu hỏi: Kiểm tra trình độ hiểu 5 văn bản khác nhau bằng tiếng Thụy Điển thông qua việc thí sinh nắm bắt chi tiết và đưa ra kết luận chung.
  • ORD – Từ vựng, 20 câu hỏi: Đánh giá năng lực nhận biết ý nghĩa của từ và khái niệm thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, trong đó có cả các thuật ngữ kỹ thuật phổ biến. Các từ có thể là thuần Thụy Điển, từ gốc nước ngoài, từ cổ, từ hiện đại và siêu hiện đại, thậm chí cả phương ngữ.
  • MEK – Hoàn thành câu, 20 câu hỏi: Kiểm tra năng lực kết hợp từ và cụm từ theo văn cảnh.
  • ELF – Đọc hiểu tiếng Anh, 20 câu hỏi: Đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản phi hư cấu (cả ngắn và dài, thường được trích từ báo và tạp chí). Các đoạn văn dài thường được dùng cho kiểu bài điền vào chỗ trống (“cloze test”, vui lòng đọc thêm về tâm lý học hình thức – Gestalt psychology, made in Germany). Loại này dân ta học tiếng Anh thì làm nhiều rồi, làm nát bấy trước mỗi lần thi IELTS hay TOEFL rồi.

Nghe đồn ngày xưa ngoài các “tiểu bài thi” nêu trên, thí sinh còn phải làm thêm một bài thi phụ nữa. Mục đích của bài thi số 5 này là để khảo sát làm đề cho các mùa thi sau, vì thế dạng đề cũng giống như các phần chính thức, nhưng điểm không được tính vào kết quả của kỳ thi. Có vẻ như bài thi phụ được trà trộn vào các phần chính, và phải đợi sau kỳ thi người ta mới chịu công bố những câu nào thuộc bài thi phụ, để tránh việc thí sinh bỏ bài chăng?

Ai đi thi?

Högskoleprovet chính thức “chào sân” vào năm 1977, với ba kỳ trong một năm. Kể từ đó, kỳ thi diễn ra hai lần mỗi năm. Ai đi thi cũng được, bao nhiêu lần cũng được. Bất cứ ai có mã số công dân Thụy Điển đều có thể lên website của các trường đại học hoặc của Högskolerådet để đăng ký thi và nộp lệ phí (tăng giảm tùy năm, nhưng lệ phí kỳ thi mùa thu 2017 là 450 SEK). Hầu như cái gì cũng thanh toán điện tử, chủ yếu với BankID, Klarna và Swish, thu tiền đóng tiền nhanh như chảo chớp.

Người có mã số công dân Thụy Điển và đang ở nước ngoài (ví dụ: Afghanistan, Mali, Tây Ban Nha, và Bỉ) cũng được tham gia thi. Bất kể giờ địa phương ra sao, các thí sinh này phải làm bài thi tập trung vào cùng thời điểm với Högskoleprovet Thụy Điển.

Giới tính và độ tuổi nào cũng được chào đón. 22,2 là số tuổi trung bình của thí sinh qua các năm, với xu hướng trẻ hóa (trung bình 32,3 tuổi vào kỳ mùa thu 1980, và 22,1 tuổi vào kỳ mùa thu 2016). Thí sinh cao tuổi nhất trong lịch sử Högskoleprovet là một cụ ông 93 tuổi (kỳ mùa thu 2009). Thí sinh trẻ nhất là một bé trai 10 tuổi 11 tháng (kỳ mùa xuân 2016).

Cách tính điểm và tra kết quả

Có 160 câu hỏi, tương ứng 160 điểm bài thi (raw score). Điểm bài thi được chuyển đổi về thang điểm 0.0 – 2.0 (normalised score). Trung bình mỗi kỳ Högskoleprovet ghi nhận khoảng 2/3 số thí sinh đạt điểm chuyển đổi 0.5 – 1.3. Thông thường bạn cứ đạt 145 – 150/160 điểm bài thi là có cơ hội đạt điểm chuyển đổi cao nhất (tức 2.0). Tuy nhiên đó chỉ là “có cơ hội” thôi, vì điểm 2.0 chỉ được gán cho khoảng 0.1% của tổng số thí sinh làm bài thi. Kỳ mùa xuân 2016 ghi nhận 62/ 75 304 thí sinh được cho điểm 2.0 (tối thiểu 73 điểm bài Lượng và 75 điểm bài Ngữ văn).

Sau mỗi bài thi nhỏ, thí sinh có một khoảng thời gian ngắn để điền câu trả lời vào một tờ giấy màu cam. Họ cũng được phát thêm một phiếu đáp án để copy kết quả, mang về sau khi thi xong, tự “soi lô” xem mình trả lời đúng bao nhiêu câu, sau đó so sánh với bảng chuyển đổi của các kỳ thi trước để áng chừng số điểm chuyển đổi của mình. Điểm chuyển đổi chính thức chỉ được UHR công bố sau khi tính toán công thức 0.1% nêu trên.

Từ mùa thu 2016, đáp án được đăng tải trên website của UHR là studera.nu, chỉ vài ba ngày sau kỳ thi. Trước đó, đáp án được đăng tải trên báo, website chính thức của hội đồng thi và truyền hình cùng ngày với kỳ thi. Về sau, UHR quyết định trì hoãn khâu này để tránh gian lận thi cử đã được phát hiện ở một số kỳ thi trước.

Làm sao để đạt điểm cao?

Chẳng ai đi thi mà lại muốn về nhì cả. Chuyện “tôi đi thi với tinh thần giao lưu và học hỏi” nghe rất là thân thiện và hoang đường. Với số điểm 2.0, bạn có cơ hội được chọn học bất cứ ngành nào mình thích, vì bạn giỏi quá rồi mà, học gì chả được! Điểm càng cao, cơ hội lựa chọn càng nhiều (mặc dù trên thực tế cứ đạt từ 1.7 điểm trở lên là đã phải lựa chọn đến hoa cả mắt rồi; thi cử có bao giờ dễ dàng với số đông đâu). Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải làm tốt hơn 95% hoặc thậm chí 99.9% tổng số thí sinh của một kỳ thi.

Trong lịch sử Högskoleprovet đã có tổng cộng 14 588 thí sinh đạt điểm tối đa. Kỳ mùa xuân 1995 lập kỷ lục với 557/ 74 712 thí sinh đạt điểm 2.0 (đoạn này mình không thấy liên quan đến công thức 0.1%). Đặc biệt, có một anh giai sinh năm 1956 đã có 17 lần thi đạt điểm 2.0. Có rất nhiều người trả lời đúng tất cả các câu hỏi (nam giới đầu tiên là một anh 20 tuổi kỳ mùa xuân năm 1991, nữ giới đầu tiên là một chị 41 tuổi kỳ mùa xuân 2011).

Högskoleprovet kiểm tra kiến thức rất ở nhiều lĩnh vực và có đủ độ khó để giúp các cơ sở giáo dục sàng lọc được sinh viên giỏi. Dĩ nhiên cách tốt nhất để chuẩn bị cho kỳ thi là phải dùi mài kinh sử. Để làm toán tốt, bạn phải luyện thật nhiều từ trình độ trung học cơ sở vì tất cả kiến thức toán ở đại học đều dựa trên và phát triển từ đó. Để làm tốt bài Ngữ văn, bạn phải đọc nhiều, không chỉ tin tức thông thường mà cả những thể loại nâng cao như văn học, tiểu thuyết, nghiên cứu khoa học, v.v. Nhiều câu hỏi còn trích nguyen cả văn bản học thuật về kinh tế, y học và luật. Ngoài ra, hiểu biết về chính kỳ thi cũng có thể giúp bạn kiếm được vài điểm. Có người chỉ luyện đề cũ và… học thuộc lòng đáp án. Tuy nhiên, kỳ thi đã diễn ra tới 40 lần và mỗi lần 160 câu hỏi mà bạn nhớ hết và xoay sở được cả những kiểu ra đề “chơi chữ” của UHR thì đấy cũng là một tài năng.

Cũng có thể… gian lận để đạt điểm cao, nhưng cần biết rằng gian lận thi cử được coi là một tội phạm. Luật thi ngày càng được thắt chặt cho nên gian lận thi cử là một thứ không ai nên thử. Năm 2015, UHR nhận thấy điểm trung bình của thí sinh tăng cao khác thường nên đã điều tra ngay sự “tiến bộ vượt bậc” so với kết quả học tập và thi trong quá khứ của các đối tượng tình nghi. Kết quả cho thấy có sự nở rộ về dịch vụ thi thuê. Sau sự kiện này, nhiều sinh viên vừa mới bắt đầu nhập học đã được mời rời khỏi trường ngay lập tức. Mọi hình thức gian lận đều có hình thức xử phạt tương ứng và có thể kèm theo một lịch sử cá nhân ghi dấu muôn đời trong hồ sơ được đồng bộ giữa sở thuế, cảnh sát cùng hầu hết các cơ quan công quyền và đơn vị giáo dục. UHR sẽ cấm cửa học hành trong vòng hai năm với những ai bị phát hiện gian lận thi cử, và bản án nặng nhất là 6 tháng bóc lịch.

Huong Nguyen Bergström

(Nguồn: metro.se; hogskoleprov.nu, studera.nu, provtips.com, sverigesradio.se, wikipedia.com)

Comments