Nuôi con ở Thụy Điển – Mua sắm gì?
Mua hay không? Mua gì? Ở đâu? Bao nhiêu? Mới hay cũ?
Trước khi chi tiền mua sắm, bạn hãy dành chút thời gian tìm hiểu (nhưng đừng kỹ quá kẻo tẩu hỏa nhập ma rồi lại tặc lưỡi mua đại), hoặc đọc bài này là xong :).
- Kênh thông tin: Barnmorska, BVC, Vi Föräldrar, Bäst-i-test và các nguồn khác.
- Kênh mua đồ cũ: Blocket, Facebook Marketplace, Tradera (đấu thầu), Svenska Loppisar, và vô vàn cửa hàng đồ cũ. Người Thụy Điển mê đồ cũ như mê… tình cũ. Người ta đã hình thành thói quen gìn giữ đồ đạc rất chuyên nghiệp, phòng khi cần bán hoặc cho đi. Ngoài ra, không bố mẹ nào muốn mua đồ kém chất lượng cho cục cưng của mình cả.
- Kênh mua đồ mới: các trang tổng hợp phổ biến như Jollyroom, Babyland, Lekmer, Babyshop, Apotek, v.v. (giá phân phối và thường có chương trình khuyến mãi); trang chính thức của các hãng, các cửa hiệu và outlet. Bạn có nhiều lựa chọn mua trên mạng, nhưng hãy cẩn thận với Wish vì nhiều khi đồ không bảo đảm chất lượng chuẩn EU hoặc không đúng với mô tả.
- Kiểm soát chi tiêu: Lập một bảng tính ngay từ khi bạn có bầu cho đến khi con được ít nhất 1 tuổi. Đây là công cụ giúp bạn cân nhắc nhiều hơn về ngân sách và dàn trải thời gian cho những khoản chi lớn. Món phúc lợi xã hội 1250 SEK cho con chẳng thấm tháp gì đâu.
Startbox: Đây là gói đồ dùng thử mà các hãng tặng cho trẻ sơ sinh. Bạn hãy lên babybox.se hoặc babypaket.com, có bao nhiêu startboxes thì cứ đăng ký hết. Đấy không gọi là ham rẻ, mà là cho các hãng có cơ hội giới thiệu sản phẩm và bạn có thể dùng thử trước khi quyết định mua. Mặc dù có nhiều trang giới thiệu startbox của các hãng nhưng bạn chỉ được đăng ký một lần và bằng mã số công dân.
Giường cũi (spjälsäng): Giường thường có 2 nấc nằm, bạn hạ thấp phần đáy khi con đã lớn và có thể vịn nhào ra ngoài thành giường. Nên mua đồ cũ vì thời gian sử dụng không dài. Nhà mình có chiếc giường truyền thống mà tất cả những đứa cháu thay phiên nhau nằm, đứa lớn nhất cách đứa nhỏ nhất chừng 25 năm có lẻ. Việc cho con ngủ riêng hay chung giường với bố mẹ đến bao lâu là tùy bạn quyết định. Quan niệm của mình là khi ngủ riêng thì cả con và bố mẹ đều được thoải mái, và sẽ an toàn cho con nhiều hơn, chưa cần tính đến chuyện xa xôi “rèn tính tự lập” hay không.
Phụ kiện giường:
- Tấm lót thành giường (spjälsängsskydd): Giúp con tránh bị kẹt tay chân giữa các thanh chắn hoặc đỡ đau khi quẫy đạp vào thành giường.
- Đệm trẻ em (madrass): Cứng mềm vừa đủ vì xương của con đang trong quá trình định hình.
- Bọc đệm (fodral/ överdrag/ madrasskydd/ lakan): Cần chống thấm nhưng không cần chống nước vì nhiều nylon thì con nằm sẽ bị nóng lưng. Tấm madrasskydd sẽ giúp con nằm êm và thoáng khí. Nên chọn loại đệm và bọc đệm có thể giặt được (tvättbar).
- Gối (kudde): Bác sỹ dặn trẻ sơ sinh chưa nên nằm gối vì cái cổ còn yếu, nhưng bạn có thể lót một miếng khăn mỏng để nếu con trớ thì mình đỡ vất vả giặt giũ.
- Gối nằm nghiêng (sidokudde): Loại gối để cho con nằm vào thời kỳ bắt đầu biết lật nhưng chưa tự lật lại được, để tránh con nằm sấp và bí thở khi ngủ đêm, nắn cho con cái đầu tròn trịa, cho những bé hay bị trớ nhiều hoặc thích nằm ngủ nghiêng. Nên mua cũ vì thời gian sử dụng ngắn.
- Chăn mùa đông (barntäcke) và vỏ chăn (påslakan): Mua 1 – 2 bộ, tùy vào “năng lực” dây bẩn của con.
- Chăn mỏng (filt/ pläd): Mua 2 chiếc, khi nào cần sẽ mua thêm hoặc có thể sẽ được tặng. Mua đồ Hemtex đẹp tốt giá trung lưu, không quá bình dân cũng không quá hàng hiệu sành điệu củ kiệu.
Mình mua đệm ở Jysk, bọc đệm chun (dra-på lakan) NG Baby ở Jollyroom, chăn mỏng và vỏ chăn đồng bộ của Hemtex. Còn lại là đồ cũ mình được cho.
Babynest: Nên có 1 chiếc và chỉ nên mua đồ cũ vì thời gian sử dụng rất ngắn. Mình dùng chủ yếu khi con được 2 – 3 tháng tuổi, là giai đoạn chuyển giao trước khi cho con ngủ giường riêng. Nằm trong babynest, con vẫn được ở cùng giường với bố mẹ để luôn có cảm giác gần gũi, và bố mẹ thì không sợ chăn của người lớn hoặc mình vô ý ngủ say mà gây nguy hiểm cho con.
Bàn thay tã (skötbord): Có vẻ như không nhiều bố mẹ Việt quan tâm đến nó, nhưng đây lại là thứ không thể thiếu đối với các bố mẹ Thụy Điển. Cái này cũng nên mua đồ cũ, lý do giống với việc mua giường. Bàn thay tã nên được để trong nhà tắm để tiện sử dụng nước, nếu nhà rộng thì thêm 1 chiếc để trong phòng ngủ. Nhiều mẫu bàn thay tã (ví dụ Hensvik của IKEA) có thể được sử dụng đa năng thành “bàn học” khi con lớn lên. Bàn thay tã giúp bố mẹ đỡ còng lưng bất tiện khi vệ sinh cho con, có thể chơi với con trong lúc thay tã và giúp nhau chăm chút cho con (ví dụ ngoáy tai, hút mũi). Nếu bạn có giường ngủ cao (kontinentalsäng) thì thay thế được nhưng vẫn phải lích kích đồ đạc lúc thay tã, có khi phải giặt cả chăn đệm vì con “xả lũ” bất thình lình.
Phụ kiện bàn thay tã:
- Đệm thay tã (skötbäd/ dyna): Thường là loại giặt được và chống thấm. Nên mua đồ cũ. Tuy nhiên, bạn vẫn nên mua thêm tấm lót (skötbördsunderlägg), và chỉ cần loại dùng 1 lần của Libero. Tính ra mỗi tấm 3 SEK nhưng mình dùng cả tuần mới phải thay.
- Phụ kiện nhỏ như móc treo, giỏ đựng (dầu tắm, kem hăm, kéo cắt móng tay, hút mũi, muối sinh lý, tăm bông, v.v.) và thùng rác. Mình mua 200 SEK trọn bộ đồ cũ gồm cả bàn (mẫu Sniglar của IKEA), cả đệm, cả phụ kiện nhỏ.
- Giấy khô: Dùng loại hushållspapper bình thường, không cần mua tvättlapp, phí tiền.
- Khăn ướt (våtservett): Nhiều người phản đối dùng khăn ướt vì lo hóa chất ảnh hưởng đến da của con. Tùy bạn quyết định, nhưng mình dùng khăn ướt của Libero thấy quá ổn. Nó có thêm lớp dầu dưỡng da cho bé nữa.
- Bỉm (blöja): Bạn có thể thử nhiều hãng khác nhau để cân nhắc về giá, vì trung bình mỗi ngày con “tiêu” hết 5 cái bỉm. Tuy nhiên, mình bảo đảm là bạn sẽ chọn Libero của Thụy Điển dù nó đắt nhất (3 SEK/ chiếc) bởi cả chất lượng tốt và thiết kế đẹp không bàn cãi. Pampers của Đức hơi nhũn nhẽo và vẫn bị tràn nhưng Libero thì né vờ é vờ.
- Hút mũi (nässug): Rất quan trọng và phải mua mới. Không cần phải mua loại dùng điện và không nên mua loại dùng một lần. Mình nghĩ Näsfrida là loại nhiều người dùng nhất – rẻ, gọn nhẹ, sạch và dễ làm sạch.
Túi thay tã (skötväska): Nhiều bạn không dùng nhưng mình thì rất thích, và rất nhiều bố mẹ Thụy Điển đều dùng. Mua cũ hay mới đều được. Sau khi đọc Bäst-i-test, mình đã sắm chiếc Skip hop Duo Signature (hơn 500 SEK) và cực kỳ hài lòng. Túi được thiết kế chuyên biệt, nhiều ngăn và đáp ứng đúng mục đích mình cần. Túi có cả đệm mỏng. Khi ra ngoài, có những lúc bạn cần thay bỉm cho con nhưng không phải nơi nào cũng có bàn thay (hoặc có bàn nhưng không có đệm), còn sàn nhà vệ sinh thì rất cứng.
Babysitter: Rất nên có 1 chiếc và chọn loại có thể gấp gọn, cũ mới đều được. Mình chọn BabyBjörn vì là hãng của Thụy Điển, là bäst i test về cả giá (khoảng 1000 SEK, con có thể ngồi đến khi nặng 13kg) lẫn chất lượng (không hề để lại dấu vết gì khi bé tè dầm hoặc ị đùn, haha) và triết lý (trẻ tự tìm niềm vui khi ngồi chứ không có sẵn cúc cu cúc cu chim rừng ca trong nắng hoặc đung đưa tự động). Mình còn tình cờ đọc được bài phóng sự về gia đình sở hữu Baby Björn trên Di Weekend, lại càng ái mộ.
Gối cho con bú (amningskudde): Rất nên dùng, kẻo ôm con chẳng mấy chốc mà sái hết cả tay chân. Không chỉ với người cỡ nhỏ như mình mà nhiều bà mẹ cao lớn cũng vẫn có thói quen kiễng chân khi ngồi cho con bú. Mẹ khó có thể ngồi dựa lưng thả lỏng được, mà phải còng còng vừa ôm quắp vừa ngắm nghía trò chuyện với cục cưng. Ngoài ra, nằm theo chiều từ hai bên hông mẹ khiến nhiều trẻ bú tốt hơn hoặc giúp mẹ xử lý tắc tia sữa khá hiệu quả – trích lời BVC. Chiếc gối cũng giúp con nằm thoải mái hơn. Mình được cho gối cũ của một bà mẹ đã có 2 con, dùng vẫn tốt.
Ti giả (napp): Đừng vội mua sớm, vì bạn sẽ được tặng vài chiếc hiệu MAM trong startbox. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ cần mua loại có dáng đặc biệt (hơi cong cong và bẹt bẹt) nếu con tỏ ra không thích loại phổ thông. Mình không chủ trương phản đối dùng ti giả. Nếu nó giúp con được dễ chịu và bớt khóc quấy thì mình không có lý do gì để phải từ chối, thương vụ quá hời. Mình cũng không lo lắng rằng nó ảnh hưởng đến răng của con sau này. Người ta nghiên cứu chán chê để cho những “chủ nhân tương lai của thế giới” sử dụng và để bán được hàng thì sản phẩm phải tốt. Có thể nó ảnh hưởng đến răng sữa, nhưng khi con thay răng là đâu sẽ vào đó. Điều quan trọng nhất là vệ sinh răng miệng đúng cách.
Bình sữa (nappflaska): Hãy mua bình hiệu MAM, loại chống sặc/ trớ/ đầy hơi (anti-colic). Mua luôn bình to để vẫn dùng được khi con tăng lượng ăn. Mình cũng không phản đối việc cho con ti bằng bình, bởi có những bé bú bình tốt và khỏe hơn bú mẹ, lại còn giúp mẹ đỡ mệt mỏi vì phải ôm quắp bưng bê con. Mẹ cần được nghỉ ngơi và hồi sức.
Máy bơm sữa (bröstmjölkspump): Hãy mua bơm điện của Medela Swing, đừng ham rẻ mà mua bơm tay để rồi hì hục bóp bóp mệt người. Nếu canh me từ sớm, bạn có thể mua trúng đợt khuyến mãi của các hãng apotek khác nhau, và campaign nhiều vô kể. Bạn cũng có thể mua bơm cũ hoặc thuê của apotek. Các apotek cũng bán phụ kiện thay thế nữa.
Nếu dư sữa, bạn hãy bơm vào túi chuyên dụng (bröstmjölkspåse) và cấp đông ngay. Lời khuyên phổ biến là sữa bơm ra không nên để quá 2 tiếng ở nhiệt độ phòng hoặc 6 – 8 tiếng trong ngăn mát tủ lạnh. Cái đó còn tùy thuộc vào dụng cụ bảo quản và sự chênh lệch nhiệt độ. Nhà mình có lần đi chơi xa mùa đông, mình bơm sữa vào túi chuyên dụng và để vào tủ lạnh cả đêm, hôm sau cả nhà trả phòng, dắt díu đi chơi nửa ngày rồi lái xe vài tiếng nữa, chiều tối mở túi sữa ra nếm thử vẫn thấy… ngọt lịm. Con tu hết sạch, không ốm đau gì. Tủ lạnh chỉ có ngăn mát, phòng ngủ 19 °C, xe 19 °C, trời 15 °C.
Miếng chặn sữa (amningskupa): Mua của Natusan là được, không cần Medela phí tiền. Liên quan đến sữa mẹ, hãy chăm sóc bầu ngực cẩn thận kẻo tắc tia sữa thì dân gian gọi là đau “bách nhục”. Chưa bao giờ mình yêu cái ti ti của mình như thời kỳ cho con bú. Muốn có nhiều sữa, hãy cho con bú hoặc bơm đều đặn để kích thích sản xuất. Hãy uống nhiều sữa các loại hạt (chứ không phải sữa bò – con sẽ bị khó tiêu), uống sữa ấm, và đặc biệt là uống nhiều nước.
Ghế ngồi ăn (matstol): Sau khi tham khảo Bäst-i-test, mình “quất” luôn chiếc Antilop mới của IKEA vì giá rẻ (149 SEK) và chất lượng ngang ngửa những hàng hiệu ngàn SEK. Mẫu này có đầy đủ đai lưng, bàn ăn, gọn nhẹ, dễ tháo lắp, dễ lau rửa. Mình mua thêm chiếc áo ghế (sittsklädsel) để con ngồi cho êm.
Ghế ngồi ăn còn có loại resestol để bạn mang theo khi đi chơi xa, nhà hàng, dự tiệc, v.v.. Chỉ cần vít cái ghế vào mặt bàn là con thoải mái ngồi tự “công tác”. Trông có vẻ chơi vơi nhưng rất an toàn và tiện dụng. Món này mình được cho đồ cũ.
Khăn sữa (mjölkhanduk): Khăn xô là thứ duy nhất mình thấy không có mấy ai dùng ở Thụy Điển. Họ thường dùng giấy mềm lau cho con, nhưng như thế vừa tốn vừa rác đầy nhà, mà giấy vẫn cứng lắm. Họ tò mò khi thấy mình dùng khăn xô kiểu A-na-mít, còn chồng mình thì khoái vô cùng vì con cưng được dùng khăn mềm mại quá. Khăn xô muôn năm!
Chậu tắm (badbalja): Nói chung là tây họ tắm vòi sen hoặc bồn chứ không dùng các loại xô chậu. Để tắm cho em bé, bạn nên mua loại chậu chuyên dụng vì nó có thêm tấm đỡ lưng cũng như gờ chắn bẹn để con không bị trượt xuống. Mình mua cũ 200 SEK, như mới tinh.
Khăn tắm (badduk): Mua 2 chiếc, đồng bộ mẫu mã với chăn mỏng nêu trên kia, yêu lắm.
Hộp đựng (förvaringslåda): Dùng để đựng quần áo, đồ chơi. Mình mua mẫu Släkting bằng vải màu xám của IKEA. Nhà có tủ kệ riêng cho con thì tốt, nhưng lưu ý tránh để con đu bám vào ngăn kéo kẻo ngã hoặc đổ tủ.
Quần áo (barnkläder): Phần lớn các em bé ra đời đều tầm 3kg. Bạn nên bắt đầu với áo body và quần dài cỡ 50 – 56. Mua trước ít thôi, chừng 7 bộ để đủ cho 1 tuần, vừa cỡ nào thì mua tiếp cỡ đó hoặc cỡ to hơn để con được thoải mái. Với mùa lạnh, hãy mua bộ đồ giữ ấm liền thân (överall), chui vào cởi ra trong vòng dăm nốt nhạc, rồi cứ thế mà xách con đi muôn nơi. (Có một điều rất thú vị là ở Việt Nam xứ nóng thì hay sợ con bị lạnh, còn Thụy Điển xứ lạnh thì chỉ sợ con bị nóng. Khi nóng, ta có xu hướng cởi phăng nhiều quá thành ra nhiễm lạnh. Còn khi lạnh, ta lại be bịt nhiều quá thành ra dễ bị nóng. Ở Thụy Điển, bác sỹ khuyến cáo nhiệt độ phòng phù hợp cho trẻ sơ sinh là 16-20°C.)
Nếu mua đồ cũ, bạn hãy ghé thăm svenskaloppisar.se và Din guide till höstens barnmarknader (Göteborgs Posten). Hãy ghé cả Blocket, Marketplace, Tradera hoặc các diễn đàn, hội nhóm xem ai có đồ cũ mà còn đẹp còn xịn thì cứ xin/ mua tuốt. Người ta tử tế lắm, nếu có cho đồ thì cũng toàn món tốt đẹp sạch thơm, không có kiểu chổi cùn rế rách bao giờ. Mình gần như không phải mua gì vì toàn được cho lại hoặc tặng mới, chỉ thi thoảng “rửng mỡ” lên thì mua mặc cho mô-đen thôi.
Phụ kiện:
- Mũ sơ sinh (mösa): Mũ rất quan trọng vì vỏ não của bé vẫn còn rất mỏng và não chưa hoàn thiện. Mua 2 chiếc thôi, đầu con to lên nhanh lắm.
- Tất chân (strumpa/ socka): Đừng mua loại dầy quá. Phần lớn thời gian trời lạnh thì bé ở trong nhà, nếu ra đường thì có överall rất ấm rồi. Khi nào con tập đi, hãy mua thêm tất có đính cao su chống trượt (halksocka/ halkstrumpa).
- Găng tay (vante): Chủ yếu không phải để giữ ấm mà là để bé đỡ mút tay hoặc cào mặt.
- Với những ngày trời có nắng, bạn nên chuẩn bị quần áo chống tia cực tím (uv-kläder) cho con. Ở Bắc Âu, thời tiết rất “lừa người”, nắng to mà vẫn mát nên ta có xu hướng “thả phanh” và thích sưởi nắng. Vì vậy, việc bảo vệ con khỏi nguy cơ ung thư da là việc cần thiết. Mùa nóng thì có đồ bơi (uv-baddräkt), mũ (solhatt), kem chống nắng (solkräm – loại SPF 50 dành cho trẻ dưới 3 tuổi, công nghệ mới – bôi được cả khi da còn ẩm sau khi tắm và chống dính đất cát). Mùa lạnh cũng có quần áo chuyên dụng, kính râm và kem bôi cho những ai đi trượt tuyết.
Địu vải (bärsjal/ bärsele): Có 2 loại bärsjal phổ biến nhất là loại có cỡ cố định (dễ sử dụng nhất nhưng thời gian sử dụng ngắn và bố mẹ không dùng chung được nếu hai người không cùng cỡ), và tấm địu dài (dễ điều chỉnh tùy cỡ người nhưng cách dùng hơi phức tạp vì phải vừa giữ con vừa chằng buộc). Bạn có thể dùng bärsjal cho bé từ 3,5kg – 16kg và theo 5 kiểu khác nhau tùy theo sự phát triển của bé. Mình mua địu Baby K´tan Active, chất liệu chống tia UV, đàn hồi cao, ấm mùa đông, thoáng mùa hè (bé sinh mùa nào cũng dùng được). Vì loại địu này khá ôm khít nên sẽ phù hợp khi con dưới 6 tháng tuổi, bé bỏng yếu đuối, thích được ôm nựng, thích hít hà da tiếp da. Khi con được hơn 1 tháng tuổi và rất khó rời tay mẹ, khiến mẹ vừa mệt vừa không thoải mái vận động, thì cứ nhét con vào địu, bảo đảm con ngủ ngay trong vòng 3 phút, và mẹ thì thoải mái tung tẩy đi chợ, dọn dẹp nấu ăn băm băm chặt chặt.
Con sẽ không thấy thoải mái với bärsjal khi đến độ tuổi thích ngọ nguậy khám phá thế giới. Hãy cân nhắc mua địu dầy bärsele. Bọn mình được tặng 2 chiếc của BabyBjörn, và chồng mình thì siêu thỏa mãn.
Xe nôi (barnvagn): Đây là thứ bé sẽ sử dụng rất nhiều, bạn nên tham khảo kỹ trước khi quyết định mua mẫu nào. Xe nên có cả phần nằm (liggdel) và ngồi (sittdel) để thay đổi tùy sinh hoạt và sự phát triển của con. Mình nghĩ không nhất thiết phải mua đồ xịn. Xe to đi các nơi hoặc đến nhà trẻ thường phải để ở ngoài, khó trông chừng. Mình mua xe cũ hiệu Brio, lý do là vì nó nặng 13kg. Mình có thể mắm môi mắm lợi vác nó lên cốp xe khi nào thích thể hiện hình mẫu “người đẹp tay đô” với anh xã.
Xe nôi du lịch (resevagn/ jogger): Mình được một đồng nghiệp mách và chồng mình lập tức ráo riết tìm mua vì chàng là nhân lực bưng bê chính (con càng nặng, bố càng mệt). Hãy mua hẳn một chiếc Babyzen Yoyo – đắt xắt ra miếng để sau này bán lại vẫn cực kỳ được giá. Mình mua lại một chiếc chưa đập hộp trên Marketplace với giá 3500 SEK. Tổng trọng lượng khung xe (chassi) và phần ngồi (sittdel) là hơn 6kg, có túi du lịch và tấm chống mưa đi kèm, gấp và mở mất vài giây, gọn được như hành lý xách tay để nhét vào cabin máy bay. Bạn có thể mua lẻ mọi phụ tùng: áo xe, tấm chống muỗi, nôi nằm, v.v.
Ghế ngồi ô tô (bilbarnstol): Không nên mua mà hãy thuê, ví dụ của IF Försäkring. Thuê trọn gói 60 tháng, bạn được đổi ghế 2 lần (khi con 9 tháng và 4 tuổi), giá không đổi 114 SEK/ tháng. Bạn được giữ chiếc ghế cuối cùng mà không phải trả lại cho IF. Ghế có thể dùng được đến khi con 10 tuổi.
Tấm chống nắng (solskydd): Đi cùng xe nôi và ghế ngồi ô tô, bạn có thể cần thêm phụ kiện là tấm chống nắng (chống cả tia UV). Khi nói đến nắng là bao gồm cả bốn mùa, vì thực ra tiếp xúc không đúng cách với nắng mùa đông (khi có tuyết) cũng ẩn chứa nhiều tác hại. Nên mua đồ cũ thôi nhé!
Đồ chơi (leksak) và sách (bok): Mua sắm tùy ý, cũ mới đều được, bạt ngàn. Một số thư viện công cộng còn cho mượn đồ chơi nữa. Lấy một chiếc túi đồ chơi về rồi giặt rửa sạch sẽ trước khi trả lại. Nhà mình đưa con đi thư viện hằng tuần, vừa để đọc và mượn sách, vừa để cho con gặp gỡ bạn mới. Đọc sách báo cùng em bé là thói quen hằng ngày của mình. Mình để ý thấy “hắn” thường chăm chú hoặc u ơ theo khi mình đọc to lên, bất kể tiếng Việt hay Thụy Điển, hay cực!
Cửa an toàn (barngrind/ säkerhetsgrind): Cũ hay mới đều được, nhưng phải lưu ý kích thước cửa hoặc cầu thang. Mình lướt Marketplace thấy có khá nhiều người bán lại chiếc cửa mới toanh chưa đập hộp chỉ vì sai cỡ. Mình mua cửa multidan của hãng Babydan, loại khả dụng cho cửa rộng 62,5 – 106,8 cm.
(Còn tiếp, tùy tình hình…)
Comments
Related Posts
-
Chị Việt và anh Tây cưới nhau (3) – Marry me, marry my culture
No Comments | Sep 6, 2018
-
Hôm nay tôi kể về tình yêu
No Comments | Mar 10, 2010
-
Chị Việt và anh Tây cưới nhau (4) – “Phá đảo” ở Göteborg
1 Comment | Sep 6, 2018
-
FPT – Gã khổng lồ tuổi Mậu Thìn
No Comments | Sep 23, 2011